Giải thể cơ sở điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam

Ngày 20/4/2022 vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 1069/QĐ-UBND về việc giải thể cơ sở điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam, tuy nhiên do vẫn còn một số bệnh nhân đã nhập viện trước đó và chưa khỏi bệnh nên được tiếp tục điều trị tại khoa Nội C (khoa Covid-19 cuối cùng của bệnh viện). Trong khi đó, các khoa lâm sàng khác như Nội A, Nội B, Ngoại - Ung bướu, Hồi sức - Cấp cứu của bệnh viện đã tiến hành tổng vệ sinh, cách ly môi trường và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân lao và bệnh phổi trở lại, khi lượng bệnh nhân covid-19 giảm dần vào đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022.

Đến hết tháng 4/2022, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam chính thức kết thúc nhiệm vụ điều trị Covid-19, bệnh viện đã chủ động trở lại trạng thái “Bình thường mới”, tất cả các khoa đã tiếp nhận bệnh nhận lao và bệnh phổi. Riêng khoa Nội C được bố trí một phòng dành cho bệnh nhân covid-19 phát sinh khi đang điều trị lao, bệnh phổi để cách ly trước khi chuyển đến cơ sở điều trị covid-19 hoặc cho về điều trị tại nhà.

Theo thống kê của bệnh viện, từ ngày 27/7/2021 đến ngày 30/4/2022 tổng số bệnh nhân covid-19 (F0) điều trị tại bệnh viện là: 2.794 người, trong đó khỏi bệnh ra viện 2.690; chuyển viện 51 (chuyển tuyến trên, ngoại tỉnh và chuyển về tuyến dưới); tử vong 53 bệnh nhân (trong đó đa phần là người có bệnh nền nặng và người cao tuổi). Ngoài ra, còn có 154 F1 đi nuôi bệnh.

Trong thời điểm chuyển trạng thái từ điều trị lao, bệnh phổi sang điều trị covid-19, chỉ có vỏn vẹn 03 ngày (từ ngày 24/7 đến hết 26/7), bệnh viện phải chuẩn bị cấp bách các ekip nhân lực điều trị tại các khoa, nhân lực làm vệ sinh của từng khoa; ekip kiểm soát nhiễm khuẩn; ekip hậu cần… Bên cạnh đó, phải tốc lực chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân; làm nhà ở, công trình phụ dã chiến để phục vụ sinh hoạt của nhân viên y tế tham gia nhiệm vụ điều trị covid-19; Chuẩn bị tất cả hàng hóa thiết yếu (từ tô, muỗng, đũa, kem - bàn chải đánh răng, khăn mặt, khăn tay, ly uống nước, giấy vệ sinh, bột giặt, dầu gội, nước sát khuẩn, nước muối sinh lý, khẩu trang y tế, nước uống, chăn, chiếu, gối, móc phơi quần áo…) để phục vụ cho người bệnh trong quá trình điều trị tại bệnh viện; yêu cầu và phối hợp căn tin bệnh viện cung cấp suất ăn cho nhân viên y tế và người bệnh đầy đủ hằng ngày... Phải nói đây là một sự chuẩn bị mang tính đột phá, đòi hỏi Ban Lãnh đạo và tập thể viên chức, người lao động của bệnh viện phải dốc hết tâm, hết sức để làm việc kịp thời phục vụ bệnh nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ do tỉnh nhà giao phó.

Trong quá trình điều trị Covid-19 bệnh viện có khá nhiều điểm thuận lợi như được Lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế quan tâm, cùng các cơ quan có liên quan tạo điều kiện rất nhiều về mặt giải quyết kinh phí phòng chống dịch, viện trợ con người để tăng cường trong các kip trực, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần làm việc đối với toàn thể viên chức, người lao động bệnh viện, phối hợp giải quyết các công việc liên quan để thuận lợi cho quá trình thực thi nhiệm vụ của bệnh viện. Ngoài ra, ngày 24/02/2022 vừa qua, đồng chí Lê Văn Dũng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam và các đồng chí đại diện Tỉnh ủy- Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cùng đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính đã tổ chức thăm đến thăm hỏi, tặng quà và lẵng hoa chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02) cũng như có nhiều ý kiến chỉ đạo một số nội dung liên quan đến công tác điều trị Covid-19, các nội dung về việc thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch của bệnh viện trong quá trình điều trị covid-19. Ngoài ra, trong suốt quá trình này, bệnh viện đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ bằng hiện vật như găng tay y tế, khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, kính chắn giọt bắn, dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý, và thực phẩm tiện lợi, bánh kẹo, sữa, tiền mặt… của quý Mạnh Thường Quân là các cá nhân, tổ chức từ thiện trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tất cả đều được quản lý số liệu và cấp phát cho từng người bệnh. Qua đó, mỗi người bệnh cũng phần nào được động viên và sẻ chia trong những ngày nằm viện thiếu thốn…

Mặc dù có nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm trong quá trình điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân covid-19 nhưng vẫn không làm lung lay ý chí và tinh thần làm việc của các ekip trực. Những nhân viên bị nhiễm bệnh cũng không ngơi nghỉ mà tiếp tục vừa điều trị vừa làm công việc của khoa tại các buồng bệnh để giúp đỡ cho các đồng nghiệp, cho người bệnh của mình. Thế mới thấy được tinh thần làm việc rất nhiệt huyết và quyết tâm đẩy lùi covid-19, giúp đỡ người bệnh của tập thể Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam.

Bên cạnh những mặt thuận lợi và sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo các cấp cũng như sự sẻ chia những khó khăn của các cá nhân, tổ chức Mạnh Thường Quân, bệnh viện cũng gặp phải nhiều khó khăn nhất định trong quá trình điều trị Covid-19 như: Nhân lực bệnh viện mỏng, đặc biệt là lực lượng nhân viên vệ sinh, để khắc phục điều đó bệnh viện đã đề xuất Sở Y tế tăng cường con người nhưng không được bố trí do số lượng nhân viên vệ sinh của ngành Y tế trong tỉnh không đáp ứng. Vì vậy, nhiều nhân viên y tế của bệnh viện với chuyên môn là điều dưỡng, y sĩ, và các vị trí khác ở khối Hành chính, … kể cả bệnh nhân (như anh Đặng Ngọc Li) đã tự nguyện tham gia làm công tác vệ sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn để giúp bệnh viện vượt qua giai đoạn khó khăn. Tiếp đó là nhân lực của các chuyên khoa như Hồi sức, Cấp cứu chuyên sâu; Nhi khoa; Sản khoa phải nhờ đến sự điều động chi viện của Sở Y tế từ các đơn vị bạn đến để tăng cường hỗ trợ cho bệnh viện khi có nhu cầu.

Đc le van dung

Đồng chí Lê Văn Dũng thăm bệnh viện

Cơ sở hạ tầng của bệnh viện do được xây dựng lâu năm, thiết kế không đồng bộ, không có hệ thống chữa cháy bên trong; các thiết bị như quạt điện, hệ thống điện cũng quá cũ, thường xuyên phải sửa chữa, thay thế; không có hệ thống camera ở từng phòng bệnh do đó phải lắp đặt mới ở tất cả các khoa để theo dõi người bệnh gây tốn kém nhiều; không có hệ thống oxy trung tâm gây khó khăn trong việc cấp cứu người bệnh khi chuyển biến nặng tại các khoa (phải chuyển đến khoa HSCC)…

Giai đoạn sau Tết Nguyên đán, số ca bệnh cộng đồng tăng cao, lượng bệnh nhập viện đông, nhiều bệnh nặng, nguy kịch và tử vong nhiều gây áp lực rất lớn cho các ekip điều trị, đặc biệt tại khoa Hồi sức - Cấp cứu.

Trải qua thời gian thực hiện nhiệm vụ điều trị Covid-19, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam đã nhận được nhiều sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo, cũng như sự ghi nhận và cảm ơn của người bệnh, gia đình người bệnh. Đó là sự động viên vô cùng lớn lao đối với tập thể Lãnh đạo, viên chức, người lao động của bệnh viện, nhiệm vụ này cũng giúp cho chúng tôi học hỏi và trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm và cũng là một kỷ nhiệm đáng nhớ của tập thể Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam./.

 

 

                                                                         Lương Thị Như Thủy


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 16 Tháng 5 2022 09:11