• Phone: 02353.852.635
  • Hotline:02353.852.635
  • Thông tin:

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam

Bảo hiểm y tế - Giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân HIV

  • PDF.

Cho đến nay, HIV/AIDS tuy không còn là nỗi sợ với nhiều người bởi công tác phòng, chống thời gian qua thực sự có hiệu quả. Tuy nhiên, với người mang bệnh, họ vẫn canh cánh trong lòng nhiều nỗi lo... Lo vì nguồn thuốc ARV miễn phí đang cạn dần trong khi số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm lại ít, lo vì không biết phải tiếp cận bảo hiểm ra sao,...

hoi nghi1

Ts. Bs Nguyễn Văn Văn - PGĐ Sở Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Triển khai đề án đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), 6 tháng đầu năm 2016, cả nước phát hiện 3.684 trường hợp nhiễm mới HIV. Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, con số trên có thể phản ánh chưa đúng tình hình dịch bệnh vì qua thực tế, các tỉnh có đầu tư nhiều cho hoạt động tư vấn, xét nghiệm thì số người nhiễm HIV mới phát hiện vẫn tăng cao; nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy giảm nhờ các địa phương triển khai mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại nhưng lại có dấu hiệu gia tăng nhanh ở nhóm quan hệ đồng giới nam và chuyển giới. Dịch HIV cũng được cảnh báo có xu hướng tăng trong nhóm người sử dụng ma túy tổng hợp do quan hệ tình dục không an toàn. Bên cạnh đó, dịch HIV vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng và gia tăng trở lại nếu thiếu sự quan tâm đến các hoạt động phòng, chống.

Quảng Nam hiện có 314 người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý tại phòng khám, trong số đó có 301 bệnh nhân (96%) đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV). Cho đến nay, hầu hết các hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS tại tỉnh ta đều do Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC) tài trợ. Trong suốt hơn 10 năm qua (từ 2004 - 2016), nhờ sự hỗ trợ của Dự án, Quảng Nam đã xây dựng một hệ thống các dịch vụ từ dự phòng đến điều trị HIV/AIDS đầy đủ theo cách chuyên nghiệp, chất lượng cao cùng với việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho đội ngũ nhân viên tham gia dự án một cách toàn diện, chuyên sâu và cập nhật. Tổng kinh phí đã đầu tư cho tất cả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS địa phương giai đoạn này là hơn 43 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia chiếm 48% (hoạt động quản lý, tuyên truyền), viện trợ từ dự án VAAC-US.CDC chiếm 33% (hoạt động chuyên môn kỹ thuật), phần còn lại ngân sách địa phương chiếm 19% (kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS), chưa có sự tham gia của bảo hiểm y tế và đồng chi trả của người dân.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ này đang bị cắt giảm dần và sẽ chấm dứt vào đầu năm 2017. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch 1419/KH - SYT nhằm tiếp nhận toàn bộ các hoạt động do dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC) tài trợ; đồng thời duy trì tất cả các hoạt động dự án theo công văn số 1435/UBND-VX ngày 26 tháng 04 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc cam kết tiếp tục tham gia dự án "Hỗ trợ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam" bắt đầu từ ngày 01/01/2017. Nguồn kinh phí cho hoạt động này là do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt Đề án "Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam". Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về HIV/AIDS sau khi dự án chuyển giao sẽ được thực hiện theo Quyết định 694/QĐ-SYT và Quyết định 695/QĐ-SYT ngày 05/8/2016 của Sở Y tế Quảng Nam.
Theo đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh là đơn vị chủ công trong công tác tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho các đối tượng nguy cơ cao (như người nghiện chích ma túy, gái mại dâm và bạn tình của họ) trên địa bàn và chuyển tiếp đối tượng có kết quả xét nghiệm HIV dương tính đến dịch vụ chăm sóc, điều trị thích hợp. Đồng thời đơn vị cũng sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tiếp cận cộng đồng cho các đối tượng hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, mại dâm tại, nam quan hệ tình dục đồng giới.
Tại Khoa Lâm sàng nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp nhận tất cả cơ sở vật chất, các trang thiết bị của phòng khám ngoại trú người lớn để tiếp tục quản lý và điều trị cho 250 bệnh nhân HIV/AIDS.
Bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp nhận cơ sở vật chất phòng khám ngoại trú nhi hiện tại, trang thiết bị của dự án để thực hiện tiếp tục quản lý, chăm sóc, điều trị cho 30 trẻ nhiễm HIV/AIDS.
Hoạt động Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do hệ thống chăm sóc sức khoẻ sinh sản phụ trách, hoạt động điều trị tại Khoa sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục duy trì nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Dự kiến sẽ có 5.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc HIV hàng năm.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục duy trì hoạt động Lao/HIV. Đơn vị sẽ chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc điều trị bệnh nhân xét nghiệm sàng lọc HIV cho bệnh nhân Lao được thu dung, chuyển tiếp bệnh nhân Lao nhiễm HIV qua PKNT để được điều trị Lao và ARV.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hoạt động tại các Bệnh viện do dự án tài trợ trong hơn 10 năm qua, sau khi dự án kết thúc, các hoạt động chuyên môn kỹ thuật dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta được vận hành theo phân tuyến kỹ thuật và quy đinh của bảo hiêm y tế về HIV/AIDS. Cụ thể hơn là các hoạt động tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện tại tất cả các cơ sở y tế có phòng xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS được tổ chức thực hiện như các bệnh truyền nhiễm mạn tính, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hệ thống chăm sóc sức khoẻ sinh sản có sự tham gia của tất cả các cơ sở điều trị, can thiệp giảm hại do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và các Trung tâm Y tế chịu trách nhiệm.
Hiện nay, hầu hết những bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị thuốc ARV miễn phí. Trong thời gian tới, khi nguồn tài trợ bị cắt giảm, người bệnh sẽ phải chi trả thêm tiền thuốc ARV. Vậy nên, BHYT sẽ là cứu cánh đối với họ. Ngoài những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc thuộc vùng khó khăn được cấp miễn phí thẻ BHYT thì đây sẽ là một trở ngại lớn đối với người bệnh nếu không tham gia BHYT. Vì vậy, để nâng cao hiểu biết về lợi ích của việc tham gia BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, ngành nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động họ tham gia BHYT, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

TRƯỞNG HOA

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 06 Tháng 11 2017 09:12

You are here Tin tức Nghiên cứu khoa học Bảo hiểm y tế - Giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân HIV