Từ tháng 8/2020, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam được Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia cấp cho 400 lọ Mantoux để triển khai hoạt động quản lý lao tiềm ẩn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện xét nghiệm Mantoux miễn phí cho bệnh nhân tại bệnh viện và 08 huyện trên địa bàn tỉnh, nay vẫn còn thừa sinh phẩm Tuberculin PPD (hạn sử dụng đến hết ngày 31/12/2020).
Vì vậy, Bệnh viện tiếp tục triển khai xét nghiệm Mantoux miễn phí cho người bệnh nhập viện và toàn bộ viên chức, người lao động của bệnh viện (thời gian 03 ngày: từ ngày 25/12; 08/12 và 29/12/2020 để đảm bảo tất cả VC, NLĐ của bệnh viện đều thu xếp thời gian tham gia xét nghiệm) nhằm phát hiện sớm lao tiềm ẩn bảo vệ sức khỏe cho VC, NLĐ.
Lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của trực khuẩn gây bệnh lao ở người nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng - cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động. Khoảng 23% dân số thế giới nhiễm lao tiềm ẩn. Trung bình khoảng 5-10% số người nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh lao trong vòng đời của mình. Nguy cơ phát triển bệnh lao phụ thuộc một số yếu tố trong đó quan trọng nhất là tình trạng miễn dịch của cơ thể. Điều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa tới 90% nguy cơ phát triển bệnh lao. Chẩn đoán và điều trị sớm lao tiềm ẩn góp phần giảm tỷ lệ mắc lao mới trong cộng đồng tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
Xét nghiệm Mantoux là 1 trong 2 phương pháp chính đang được Chương trình Chống lao Quốc gia sử dụng để phát hiện lao tiềm ẩn. Tức là tiêm trong da 0,1 ml Tuberculin PPD. Trong vòng 48 - 72 giờ sau khi tiêm, kết quả được tính dựa vào đường kính của nốt sần phản ứng tại chỗ tiêm.
Thực tế cho thấy nhân viên y tế trong ngành lao là một trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc lao cao do thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với vi khuẩn lao. Việc phát hiện lao tiềm ẩn đối với VC, NLĐ không chỉ phòng ngừa được việc lây nhiễm chéo giữa nhân viên y tế và người bệnh trong bệnh viện khi lao tiềm ẩn chuyển thành lao hoạt động, mà còn gián tiếp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa phát sinh lây lan trong xã hội.
Lương Thị Như Thủy
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam