Công tác xã hội là những hoạt động tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động tài trợ nhằm giải quyết vấn đề cho những đối tượng đang trong tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng giới, giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, người tàn tật, trẻ đường phố, trẻ bị lạm dụng… Những hoạt động này đã xuất hiện, tồn tại và phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam hàng chục năm qua.
Công tác xã hội hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự thay đổi của xã hội; Giải quyết vấn đề (những bế tắc, tiêu cực trong cuộc sống); Quan tâm đến con người, môi trường sống/ chất lượng cuộc sống. Đồng thời làm tăng năng lực cho thân chủ, gia đình và cộng đồng.
Công tác xã hội có bốn chức năng “Phòng ngừa”: ngăn ngừa các vấn đề xã hội nãy sinh. Giúp đối tượng không rơi vào tình huống cần có sự can thiệp của nhân viên xã hội; “Chữa trị”: Giải quyết các vấn đề xã hội theo quy trình giúp đỡ; “Phục hồi”: Giúp đối tượng đã và đang bị thiệt thòi có khả năng tái hòa nhập vào đời sống xã hội; “Phát triển”: Giúp đối tượng phát triển thành con người mới toàn diện.
Công tác xã hội có thể thực hiện ở ba phương pháp: Công tác xã hội với cá nhân, gia đình; công tác xã hội với nhóm; công tác xã hội với cộng đồng.
Theo Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 tại Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010, công tác xã hội có những vấn đề cần quan tâm như: Công tác giảm nghèo và công bằng xã hội; Chăm sóc người già, người khuyết tật, người nghiện rượu, ma túy; phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; Nạn buôn bán người; Người thất nghiệp, gia đình có vấn đề; trẻ em bị ngược đãi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…; Phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy; Chăm sóc sức khỏe và tâm thần; Trợ giúp người bệnh HIV/AIDS và phòng ngừa lây nhiễm; Bảo trợ xã hội để trợ giúp những đối tượng cần sự bảo trợ khẩn cấp, nạn nhân của thiên tai, những người bị tàn phế từ hậu quả của chiến tranh; Bình đẳng giới và phát triển cộng đồng.
Ngày nay, công tác xã hội đã tiến triển và thâm nhập vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như: Phúc lợi trẻ em; Phúc lợi gia đình; Giáo dục giáo dưỡng/ cải tạo; Trong Tòa án đặc biệt; Trong trường học và đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe.
Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam, các hoạt động mang bản chất công tác xã hội đã sơ khởi từ những năm đầu khi mới thành lập nhưng còn mang tính tự phát, chưa sâu sắc thông qua các phong trào vận động, động viên giúp đỡ bệnh nhân nghèo, kết nối với các tổ chức từ thiện và nhiều nhóm công tác xã hội cộng đồng, đặc biệt là tổ chức Hội “Người Tôi Cưu Mang” và tinh thần tự nguyện đóng góp tinh thần và vật chất của cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, có vấn đề về sức khỏe tâm lý... Đến ngày 26/11/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của nhân viên xã hội tại bệnh viện. Nắm được tinh thần của Thông tư 43, ngày 06/01/2016 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam ban hành Quyết định số 03a/QĐ-BVPNT về việc thành lập Tổ Công tác xã hội tại bệnh viện gồm 01 Tổ trưởng; 01 Tổ phó; 01 Thư ký và 10 thành viên là nhân lực của hầu hết các khoa/ phòng. Bệnh viện chủ yếu lồng ghép nhân sự của Tổ vào đội ngũ nhân viên y tế để tiện cho việc chăm sóc, tư vấn, tham vấn các vấn đề thuộc công tác xã hội cho bệnh nhân.
Ngay từ khi được thành lập, Tổ nhanh chóng tiếp cận các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 43, như:
1. Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người bệnh), bao gồm:
a) Đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh hoặc phòng khám bệnh;
b) Tổ chức hỏi thăm người bệnh và người nhà người bệnh để năm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội và tổ chức thực hiện;
c) Hỗ trợ khẩn cấp các hoạt động công tác xã hội cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực gia đình, bạo lực giới, tai nạn, thảm họa nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh: hỗ trợ về tâm lý, xã hội, tư vấn về pháp lý, giám định pháp y, pháp y tâm thần và các dịch vụ phù hợp khác;
d) Hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh;
đ) Cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh có chỉ định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc xuất viện; Hỗ trợ thủ tục xuất viện và giới thiệu người bệnh đến các địa điểm hỗ trợ tại cộng đồng (nếu có);
e) Phối hợp, hướng dẫn các tổ chức, tình nguyện viên có nhu cầu thực hiện, hỗ trợ về công tác xã hội của bệnh viện;
2. Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật:
a) Thực hiện công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
b) Xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;
c) Xây dựng nội dung, tài liệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, các dịch vụ và hoạt động của bệnh viện đến người bệnh và cộng đồng thông qua tổ chức các hoạt động, chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo:
d) Cập nhật và tổ chức phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, hoạt động của bệnh viện cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh;
đ) Tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử, hòm thư góp ý của bệnh viện;
e) Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp cho nhân viên y tế và người bệnh.
3. Vận động tiếp nhận tài trợ:
Thực hiện hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
4. Hỗ trợ nhân viên y tế:
a) Cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị;
b) Động viên, chia sẻ với nhân viên y tế khi có vướng mắc với người bệnh trong quá trình điều trị.
5. Đào tạo, bồi dưỡng:
a) Tham gia hướng dẫn thực hành nghề công tác xã hội cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo nghề công tác xã hội;
b) Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công tác xã hội cho nhân viên y tế và nhân viên bệnh viện; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về y tế cho người làm việc về công tác xã hội.
6. Tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội của bệnh viện.
7. Tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng (nếu có).
Đặc biệt tháng 12/2017 vừa qua, bệnh viện đã cử một số thành viên của Tổ Công tác xã hội tham gia tập huấn chuyên đề Công tác xã hội tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng về công tác xã hội cùng các đơn vị bạn tại khu vực Nam Trung Bộ.
Mặc dù, điều kiện làm việc còn nặng về chuyên môn y tế, phải kiêm nhiệm và chưa có cán bộ chuyên trách về công tác xã hội. Nhưng, trong hai năm 2016 - 2017, được sự chỉ đạo và ủng hộ nhiệt tình của Ban Lãnh đạo bệnh viện, các thành viên của Tổ đã lồng ghép thực hiện đúng vai trò của người nhân viên y tế và tình nguyện viên công tác xã hội. Bên cạnh đó, các thành viên đã cùng san sẻ kinh nghiệm và công việc với những đồng nghiệp khác, thậm chí cả những người là thân nhân người bệnh cũng được chia sẻ và cùng thực hiện các công việc như một tình nguyện viên. Cụ thể như: hướng dẫn, chỉ dẫn người bệnh trong làm thủ tục khi vào viện, trong các sinh hoạt hằng ngày khi điều trị tại bệnh viện; Tư vấn về dinh dưỡng, chế độ ăn hợp lý cho từng thể bệnh khác nhau; Hỏi han, động viên, chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn; Cùng đóng góp tiền và quà tặng cho những người bệnh đặc biệt khó khăn; Liên kết với các tổ chức từ thiện để mang lại cho người bệnh những suất quà thật ý nghĩa. Điều đó góp phần tạo nên mạng lưới công tác xã hội tại bệnh viện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, đem lại sự hài lòng và động lực thúc đẩy nhiều người vượt qua nỗi đau bệnh tật./.
Lương Thị Như Thủy
Phòng Tổ chức - Hành chính
* Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình bộ môn Công tác xã hội của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Ngọc - Giảng viên thỉnh giảng - Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh;
2. Thông tư số 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 Quy định về nhiệm vụ và hình thức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện.
- 15/10/2019 09:08 - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam tổ chức ký cam…
- 15/10/2019 08:59 - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam tổ chức Đêm h…
- 26/02/2018 09:28 - NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN TRONG CÔNG TÁC TIẾT CHẾ DI…
- 19/01/2018 10:38 - THÁP DINH DƯỠNG VÀ 10 LỜI KHUYÊN DINH DƯỠNG HỢP LÝ…
- 19/10/2017 15:36 - Các dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn
- 19/10/2017 15:27 - Viêm họng mãn tính và những điều cần biết
- 19/10/2017 15:01 - Những dấu hiệu nhận biết bệnh hen phế quản ở trẻ e…